Có thể nói, vụ việc liên quan tới cựu Uỷ viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh Bạc Hy Lai – nhân vật được lòng dân nhưng cũng không ít “lùm xùm” tai tiếng đã trở thành một “sự kiện” của làng chính trị Trung Quốc năm 2012. Ngày 22/8/2013, theo thông báo của toà án, Bạc Hy Lai sẽ ra trước vành móng ngựa. Nhân đây, cùng lật lại hồ sơ vụ án của ông nghị được ví như hoa “sớm nở tối tàn” này.
>> Lật lại hồ sơ Bạc Hy Lai: Từ chính trường đến tù ngục (phần II)
>> Lật lại hồ sơ Bạc Hy Lai: Từ chính trường đến tù ngục (phần II)
1.Tập ấm lập thân
Bạc Hy Lai dân tộc Hán, người Sơn Tây, sinh tháng 7/1949 (cầm tinh con trâu). Ông là con trai Bạc Nhất Ba - Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của CHND Trung Hoa. Nhất Ba là một chính trị gia theo đuổi quan điểm cứng rắn nên từng gây không ít tranh cãi trong thời kỳ đương nhiệm. Sau Cách mạng văn hoá, Bạc Nhất Ba là một trong số những chính trị gia được Đặng Tiểu Bình trọng dụng, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc cải cách, mở cửa Trung Quốc thời kỳ này.
Bạc Nhất Ba (giữa) - phụ thân Bạc Hy Lai từng là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của CHND Trung Hoa (Ảnh: báo mạng Trung Quốc)
Bản thân Bạc Hy Lai cũng từng là một nhật vật xuất sắc, được cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân để mắt và ủng hộ. Tháng 10/1980, Bạc Hy Lai gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Bắc Kinh ngành Sử học, sau đó có bằng Thạc sĩ tại Trường đào tạo Báo chí Quốc tế.
Bạc Hy Lai từng giữ các chức vụ: Thị trưởng thành phố Đại Liên – thành phố tráng lệ nhưng không kém phần khắc nghiệt với người mới khởi nghiệp, Phó bí thư Tỉnh uỷ Liêu Ninh – nơi được mệnh danh là khu vực “đại gỉ sắt” khi nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp nặng. Với những nỗ lực và khả năng của mình, Bạc đã từng góp phần biến Đại Liên, Liêu Ninh trở thành những vùng kinh tế khởi sắc của Trung Quốc, thu hút du lịch và đầu tư khổng lồ. Năm 2004, nhờ chứng tỏ được khả năng của mình, Bạc Hy Lai được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại. Ở vị trí này, ông được biết đến là một chuyên gia thương thuyết hiệu quả, góp phần bảo vệ chính sách và lợi ích của đất nước Trung Quốc trong hội nhập và thương mại quốc tế.
Như thế, trong nhiều năm liền kể từ khi lập thân, lập nghiệp, với truyền thống gia đình danh gia vọng tộc, đường công danh của Bạc Hy Lai thênh thang rộng mở. Ông được xem như một trong những ngôi sao lấp lánh của chính trường Trung Quốc. Những “dư âm” tốt đẹp mà Bạc Hy Lai để lại khi còn giữ chức Thị trưởng thành phố cảng Đại Liên, Phó bí thư Tỉnh uỷ Liêu Ninh hay Bộ trưởng Bộ Thương mại đã giúp ông tiến xa hơn vào nghị trường Trung Quốc.
Bạc Hy Lai bước vào chính trường Trung Quốc với con đường tương lai rộng mở (Ảnh: báo mạng Trung Quốc)
2. Thăng trầm ở Trùng Khánh
Năm 2007, Bạc Hy Lai trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban thường vụ, Bí thư Thành uỷ thành phố Trùng Khánh - thành phố lớn ở phía tây nam Trung Quốc - một trong 4 thành phố lớn trực thuộc Trung ương của CHND Trung Hoa, cũng là thành phố đông dân nhất (xấp xỉ 30 triệu dân) trong số các thành phố này. Đây không chỉ là nơi có bề dày lịch sử, văn hoá mà còn là trung tâm kinh tế của vùng thượng du Trường Giang, là trung tâm sản xuất chính và đầu mối giao thông của vùng tây nam Trung Quốc.
Với vị trí và vai trò như vậy, những thập niên đầu thế kỷ XXI, Trùng Khánh là “mảnh đất màu mỡ” của những băng nhóm tội phạm có tổ chức, nạn tham nhũng và nhiều tai tiếng xấu khác như quy luật vốn có của đô thị hoá. Ở cương vị Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã từng góp phần cho sự thay đổi ngoạn mục của thành phố này thời gian sau đó.
Dưới thời Bạc Hy Lai, tăng trưởng kinh tế Trùng Khánh đã khiến báo giới Trung Quốc hết lời ca ngợi. Năm 2009, Bạc Hy Lai cùng với chính quyền thành phố và Cảnh sát trưởng Vương Lập Quân tiến hành một cuộc trấn áp “Đả hoắc trừ ác” lớn chưa từng có, bắt giữ tới gần 5000 người bị nghi ngờ là thành phần “xã hội đen”, những cán bộ tham nhũng, coi thường pháp luật, lập lại kỷ cương cho Trùng Khánh.
Bạc Hy Lai từng gây ấn tượng tốt ở những nơi ông nắm quyền (Ảnh: báo mạng Trung Quốc)
Tại Trùng Khánh, Bạc Hy Lai không chỉ ghi dấu ấn bằng “chiến tích” đả trừ xã hội đen, chống tham nhũng, ông còn gây ấn tượng thông qua giải quyết êm thấm vụ đình công của tài xế taxi, giáo viên thành phố, không phải bằng cách cũ là cho cảnh sát bắt giữ người đình công. Ông mời những người đại diện đình công đến dự một diễn đàn cùng với ông được truyền hình trực tiếp trên sóng TV và thương thuyết điều kiện chấm dứt đình công một cách công khai.
Những tưởng, với những gì làm được, Bạc Hy Lai sẽ là một trong những ứng cử viên sáng giá của thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Quốc như nhiều người kỳ vọng. Thế nhưng, cũng từ đây, con đường công danh của ông Bạc lại tụt dốc thảm hại...
Vương Lập Quân - Cảnh sát trưởng Trùng Khánh nhiệm kỳ 2009 - 2011 được xem là “khét tiếng”, trở thành cánh tay phải thực thi công lý dưới sự chỉ huy của Bí thư Thành uỷ họ Bạc. Cũng nhờ có vụ “truy quét” lớn này mà tên tuổi Vương Lập Quân trở nên lẫy lừng hơn bao giờ hết. Thậm chí ông trở thành hình tượng mẫu mực trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng Trung Quốc. Có sự bảo trợ và chỉ đạo của Bạc Hy Lai, Cảnh sát trưởng Vương đã cho bắt nhiều cựu quan chức ở Trùng Khánh về tội tham nhũng, trong đó có cả Giám đốc Sở Tư pháp thành phố. Ở cương vị người đứng đầu Sở Cảnh sát Trùng Khánh, Vương Lập Quân đã phá hơn 12 ngàn vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng hình sự sừng sỏ, trong đó có cả những cảnh sát tha hoá, biến chất. Cũng chính Vương Lập Quân là người đích thân bắt Văn Cường – Giám đốc Sở Tư pháp Trùng Khánh với vụ việc gây chấn động dư luận Trung Quốc. Trong chưa đầy 2 năm, các tổ chuyên án của công an Trùng Khánh dưới sự chỉ huy của Vương Lập Quân đã lập 63 án điều tra tập đoàn tội phạm xã hội đen, tỉ lệ phá án giết người đạt 94,48%, thu hồi về cho Trung Quốc hơn 33 tỉ nhân dân tệ.
Cựu Giám đốc Sở Cảnh sát Trùng Khánh Vương Lập Quân (Ảnh: báo mạng Trung Quốc)
Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn đặt dấu hỏi lớn về mối quan hệ khăng khít giữa Bí thư Thành uỷ họ Bạc và Cảnh sát trưởng Vương Lập Quân. Đại chiến dịch “Đả hắc trừ ác” của Bạc Hy Lai và chính quyền thành phố Trùng Khánh đã mang lại cho họ những chiến công lẫy lừng, nhưng lại bị dư luận xem là quá mạnh tay, nếu không muốn nói là tàn bạo. Cũng chính chiến dịch này đã khiến giới thương gia Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân ở một thành phố sầm uất như Trùng Khánh phải điêu đứng.
Cho đến nay, Vương Lập Quân lưu vong ở đâu không rõ, nhưng có một điều chắc chắn là chính “cánh tay phải” này là khởi nguồn cho những tụt dốc thảm hại trong sự nghiệp của Bạc Hy Lai. Báo giới Trung Quốc gọi đây là “Sự kiện Vương Lập Quân” và Thủ tướng Trung Quốc đích thân lên tiếng sẽ điều tra cho tới cùng, công khai xem xét vụ việc “dưới góc độ pháp luật và lịch sử”.
Theo Petro times.
0 comments:
Post a Comment